Tin tức

Người cha đẻ Máy tập nhược thị Made in Vietnam - KS. Nguyễn Vĩnh Hùng

24/06/2021 - Đăng bởi : Maytapnhuocthi

Theo báo Người Tiêu Dùng số 207 ra ngày thứ 2 (tuần lễ 07/03 đến 11/03/2016)

Trong những ngày đầu xuân cuối tháng 2, chúng tôi tìm đến nhà kỹ sư Nguyễn Vĩnh Hùng trong một con ngõ nhỏ tại địa chỉ 48A Lý Thường Kiệt - Hoàn Kiếm (Hà Nội), để nghe ông kể về bao buồn vui, được mất của nghề nghiên cứu cũng như cuộc phiêu lưu đến với máy tập nhược thị dành cho trẻ em.

 Vui vẻ và chân thành là cảm nhận của tôi khi trò chuyện cùng kỹ sư tuổi Giáp Thân này. Ông bảo, được nghiên cứu, được chia sẻ về buồn vui của công việc bên những chiếc máy móc “khô khan” này như liều thuốc khiến ngọn lửa nhiệt huyết trong ông luôn rực cháy. Tuy khá bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian kể về kỉ niệm với máy tập nhược thị dành cho trẻ em, mà như ông nói, mọi thứ đều giống một cái duyên đầy may mắn.

 

Kỹ sư Nguyễn Vĩnh Hùng

 

 Được và mất

 

PV: Chào kỹ sư Hùng, cám ơn ông đã dành thời gian trò chuyện cùng báo Người tiêu dùng. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về mình đôi chút không ạ?

Kỹ sư Hùng: Xin chào quý độc giả của báo Người tiêu dùng. Nói về bản thân mình thì tôi tự thú thực là “không quá đặc biệt”. Sau khi tốt nghiệp cấp III, mặc dù có giấy gọi vào Đại học nhưng tôi quyết định đi theo tiếng gọi của non sông đất nước, tình nguyện vào quân ngũ bảo vệ Tổ quốc.

Khi hòa bình lập lại tôi mới có điều kiện đi học Đại học ngành kỹ thuật điện tử. Tốt nghiệp ra trường, tôi về làm việc tại Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật của Bộ Vật tư (thuộc Ủy ban khoa học kỹ thuật nhà nước). Công tác tại đây một thời gian, tôi được đi đào tạo tại Cộng hòa dân chủ Đức theo chương trình Liên hiệp quốc.

PV: Sau đó ông đã quyết định về nước để tập trung cho sự nghiệp nghiên cứu của mình?

Sau nhiều năm học trong và ngoài nước, tôi trở thành chuyên gia máy nhãn khoa phục vụ sửa chữa, lắp đặt, hiệu chỉnh máy nhãn khoa cho nhiều bác sĩ tại Hà Nội. Trong những ngày tháng đi tiếp xúc với bác sĩ nhãn nhi (bác sĩ khám và điều trị mắt cho trẻ em) tại các phòng tập mắt cho trẻ em, tôi nhận thấy ở nơi đây các cháu tập mắt rất đông nhưng luôn phải chờ đợi xếp hàng đến lượt để vào tập. Bởi vậy, một số bác sĩ nhãn nhi đã có ý với tôi rằng nên nghiên cứu, chế tạo máy tập ở Việt Nam cho các cháu có điều kiện tập luyện.

Bền bỉ một đam mê

PV: Khi bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo chiếc máy này, ông gặp những khó khăn gì?

Kỹ sư Hùng: Trở về sau những đợt đi tiếp xúc đó, tôi trăn trở khá nhiều để rồi mày mò nghiên cứu, trích các chức năng quan trọng cần thiết từ máy nhập ngoại đắt tiền để tạo ra được những máy tập nội địa đơn giản, nhưng hiệu quả tốt. Điều này đã được nhiều bác sĩ nhãn khoa công nhận và nhiều bệnh nhân trẻ em đã nói lên điều đó.

Dù bước đầu thành công, song tôi vẫn luôn suy nghĩ, rút kinh nghiệm để làm sao sản xuất máy tốt hơn về nội dung, nâng cấp về hình thức, phù hợp với nhu cầu của mọi người.

Ví dụ như trước đây, máy rất cồng kềnh, thô sơ và có giá khá cao; nhưng nay thì đã đơn giản hơn, dễ sử dụng hơn rất nhiều, mà giá thành lại phù hợp cộng với chất lượng được đảm bảo. Xã hội ngày càng phát triển, công nghệ tân tiến hơn nên tôi cũng phải đổi mới, cập nhật thêm các yếu tố để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Khó khăn thì nhiều vô cùng, nhưng với tinh thần của người lính xông pha chiến trường thì tôi không bao giờ cho phép mình ngừng nỗ lực.

 
Kỹ sư Nguyễn Vĩnh Hùng miệt mài với đam mê chế tạo máy tập thị nhược thị cho trẻ em

 PV: Vậy các bác sĩ nhãn nhi đã làm gì để giúp đỡ ông và máy tập nhược thị này?

Kỹ sư Hùng:Như đã nói ở trên, sau khi các cháu được bác sĩ chỉ định tập mắt tại phòng tập của bác sĩ nhãn nhi, việc tập đã mang lại hiệu quả, nhưng ở phòng tập không có nhiều thời gian nên các cháu chỉ tập được từng đợt. Đó là lí do vì sao thì việc các cháu tập thêm ở nhà là rất cần. Vì thế, dần dần nhiều bác sĩ chuyên khoa nhãn nhi đã mở phòng tập và dùng máy của tôi sản xuất.

PV: Đó là những máy gì thưa kỹ sư?

Kỹ sư Hùng: Cụ thể tôi có sản xuất 3 máy:1 là máy Synoptophore, 2 là máy định thị trung tâm và 3 là máy điều tiết.

PV: Sau hơn 25 năm “gắn bó” với máy tập nhược thị cho trẻ em, đâu là bí quyết thành công của ông ạ?

Kỹ sư Hùng: Để máy tập nhược thị thành công, phát triển đến ngày nay, đơn giản là chúng tôi cùng có chung tâm huyết với nghề nghiệp và các cộng tác viên của tôi giỏi về khoa học, nhiệt tình. Cá nhân tôi thì bằng sự tận tâm và chịu khó học hỏi nâng cao tay nghề để làm sao ghi được chút dấu ấn của mình trong sự nghiệp nghiên cứu và đóng góp cho xã hội.

Với tinh thần chung: “Niềm vui của người khác chính là hạnh phúc của mình”, tôi và các cộng sự luôn suy nghĩ là phải cải tiến nâng cao tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới thích nghi được với cuộc sống hội nhập sôi động.

PV: Thành công là như vậy, nhưng chắc hẳn ông vẫn điều gì trăn trở?

Kỹ sư Hùng: Nếu nói là trăn trở thì có lẽ hơi nặng nề. Gần đây, đã có người dùng nội dung máy của tôi để sản xuất máy khác, có cải tiến, mẫu mã. Nhưng tôi không lo lắng vì biết rằng họ chưa hiểu biết sâu sắc về máy này, thì khó để người dùng máy có độ tin cậy.

Bên cạnh đó, tôi cùng các cộng sự cũng liên tục nghiên cứu, tìm hiểu các tài liệu, đến các phòng tập để lắng nghe thêm góp ý, mong muốn của các bác sĩ nhãn khoa cũng như người nhà bệnh nhân và bệnh nhân đến phòng tập.

PV: Đã ở tuổi ngoài thất thập, bên cạnh niềm “đam mê” với máy tập nhược thị dành cho trẻ em, ông thường thư giãn bằng cách nào ạ?

Kỹ sư Hùng: Mọi người cũng biết, ngoài việc là một kỹ sư máy nhãn khoa, tôi cũng là một cựu chiến binh. Ngoài thời gian làm việc với máy móc, tôi thích thư giãn với những vần thơ tự sáng tác hay vài bài ca cùng tiếng đàn ghi ta, vừa đàn vừa hát giao lưu với mọi người.

Ngoài ra, vì muốn nhanh nhẹn (bản tính cầm tinh con khỉ) nên tôi rất yêu thích môn bóng bàn, vừa là thư giãn, giao lưu và cũng để rèn luyện sức khỏe của bản thân để tiếp tục cống hiến cho xã hội. Thực ra bạn nhìn tôi bề ngoài trông khá thư sinh thế thôi, nhưng tôi nhanh nhẹn lắm. Không biết cảm nhận của bạn thế nào, chứ nhiều người thường bảo tôi có một nụ cười tươi duyên nên họ rất thích trò chuyện cùng tôi.

 Có thể nói, máy tập nhược thị là món quà quý báu mà ông Nguyễn VĨnh Hùng đã đem đến cho đời, đối với đôi mắt của các cháu khi có khuyết lỗi về tật khúc xạ. Đã ở tuổi 73, kỹ sư Nguyễn Vĩnh Hùng sinh ra trong một gia đình mà cụ thân sinh ra người kỹ sư tuổi Giáp Thân này chính là cố luật sư nổi tiếng Nguyễn Thành Vĩnh, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quê hương ở mảnh đất địa linh nhân kiệt dân ca đượm tình: Dương Lôi – Tân Hồng – Từ Sơn – Bắc Ninh.

 “Dù ở tuổi nào đi nữa, tôi cũng sẽ vẫn quyết tâm nỗ lực vận dụng kiến thức, nhiệt huyết của mình trong hàng chục năm qua để góp một phần nhỏ cho sự phát triển lớn mạnh của xã hội và giúp các cháu bị tật nhược thị không còn bị mặc cảm với bệnh này của mình!”, kỹ sư Hùng xúc động tâm sự lúc tiễn chúng tôi ra về.

Mộc Miên

Thương hiệu

Back to top